Đền Ông Hoàng Mười ở Hưng Nguyên Nghệ An

Đền Ông Hoàng Mười tên chữ là Mỏ Hạc Linh Từ nằm trên địa bàn xóm Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, thờ Quan Hoàng Mười, người có công hộ quốc bảo dân, chở che cuộc sống cộng đồng, được nhân dân khắp mọi miền ngưỡng mộ và tôn kính.

Đền còn thờ các vị phúc thần: Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung, Song Đồng Ngọc Nữ và hệ thống đạo Mẫu tứ phủ, mà người đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Đền Ông Hoàng Mười – Mỏ Hạc Linh Từ (Hưng Nguyên, Nghệ An)

Lễ hội chính:

  • Lễ hội rước sắc vào dịp 14/3 ÂL
  • Lễ giỗ ông Hoàng Mười vào dịp 10/10 ÂL.

Lưu ý: Nếu du khách có dịp đến Nghệ An lễ đền Ông Hoàng Mười thì nên ghé thăm Đền Củi cách đó 2km theo đường chim bay và khoảng 6km theo QL1A về phía nam. Nơi đây được coi là thờ chính của Ông Hoàng Mười, tại xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Xem thêm: Khách sạn tại cửa lò

Đầu đội Lam giang mỏ chầu Đồng trụ

Đền ông Hoàng Mười nằm cách trung tâm thành phố Vinh khoàng 2 km theo đường chim bay. Được xây dựng năm 1634 (thời hậu Lê), đến thờ các vị phúc thần như Song đồng Ngọc Nữ, thờ ông Nguyễn Duy Lạc (một võ tướng thời Lê, quê ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh), thờ hệ thống đạo Mẫu tứ phủ Liễu Hạnh. Vị thần chính của ngôi đền này là ông Hoàng Mười.

Đền nằm ở vị trí cảnh quan đẹp với phong cảnh non xanh nước biếc thật hữu tình. Trước mặt đền (hướng Nam) là dòng Lam giang như một dải lụa xanh trải rộng, thuyền bè tấp nập ngược xuôi sông Cồn Mộc quanh co, uốn khúc ôm ấp quanh đền, đôi bờ là những đồng lúa bát ngát, xanh tươi. Phía sau, bên kia sông Cồn Mộc là núi Kỳ Lân, núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô với những dấu tích lịch sử, những rừng thông, bạch đàn bạt ngàn tươi tốt. Ngoài cảnh đẹp kỳ thú, từ lâu, đền đã nổi tiếng linh thiêng vì ở đây ngoài thờ Quan Hoàng Mười theo tín ngưỡng Đạo Mẫu, còn phối thờ các vị Song Đồng Ngọc Nữ Vị Quốc Công Thái Bảo Phúc Quận Công, Phụ Quốc Thượng Tướng quân Nguyễn Duy Lạc.

Đền được xây dựng từ thời Hậu Lê. Trải qua thời gian, đền đã bị xuống cấp. Năm 1995, thể theo nguyện vọng của nhân dân, đền đã được tôn tạo, phục hồi trên cơ sở khung nhà cũ gồm nhà hạ điện, thượng điện, tả vu, hữu vu, đài Cửa Trùng, điện Cô Chín và khu mộ Ông Hoàng Mười. Hàng năm, tại đền có lễ hội rước sắc vào dịp 14/3 và lễ giỗ ông Hoàng Mười vào dịp 10/10 ÂL.

Khi nhắc đến ông Hoàng Mười, không chỉ những người theo đạo Tứ phủ (Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam Thánh mẫu và Đệ tứ khâm sai) mà người dân từ Bắc chí Nam ai cũng ngưỡng mộ và nhiều nơi lập đền thờ vọng Ngài.

“Đền thờ Mỏ Hạc ngã ba Tam Kỳ”.

“Đường về xứ Nghệ nghĩa tình,

Sông Lam núi Quyết địa linh bao đời,

Tam Kỳ Mỏ Hạc là nơi,

Đền thờ lăng mộ đời đời khói nhang…”.

Tìm đến làng Xuân Am, trước đây gọi là Âm Công (cuối thời nhà Nguyễn thì đổi tên thành xã Yên Pháp, nay là xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) thì thấy đây quả là nơi có hình tượng đầu một con Hạc đẹp tuyệt vời do những con sông Mộc, sông Vĩnh tạo thành, đầu con Hạc đội Lam giang, mỏ chầu về Đồng Trụ Sơn. Đấy là nơi có đền thờ ông Hoàng Mười linh thiêng, “Mỏ Hạc Linh Từ” là tên chữ của đền, có nghĩa là ngôi đền linh thiêng toạ trên vùng đất có hình “con hạc” mà đền lại nằm ở vị trí phía “mỏ”.

Xem thêm: Khách sạn ở vinh

Người anh hùng dân tộc

Tương truyền, theo sự phân công của Vua cha là Long thần Bát Hải Đại Vương và đệ nhất thánh Mẫu Thiên Tiên công chúa, ông Hoàng Mười được giao trọng trách trấn thủ Nghệ An về mặt tâm linh, được đặc cách toàn quyền kiểm sát khâm sai ở xứ Nghệ. Quan Hoàng Mười là một người văn võ toàn tài, có công dựng nền thịnh trị, ổn định cuộc sống cho nhân dân quanh vùng. Đặc biệt, ông luôn quan tâm, gần gũi, giúp đỡ những người dân lao động nghèo khó. Tín ngưỡng dân gian cho rằng, ông Hoàng Mười là hoá thân của các vị Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Duy Lặc, Nguyễn Duy Nhân và cả Nguyễn Xí. Đó là những nhân vật lịch sử của xứ Nghệ, có nhiều công trạng và lý lịch na ná như ông Hoàng Mười. Truyền thuyết kể rằng ông Hoàng Mười quê ở làng Xuân Am, tổng Yên Đổ, phủ Hưng Nguyên xưa (nay là Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Nghệ An). Ngài là một vị tướng tài có công lớn trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, hy sinh trong trận Âm Công đánh vào thành Lục Niên. Âm Công là một trận nghi binh làm voi giả, chiến thuyền giả. Ngài kéo quân đánh tập hậu, tả xung hữu đột làm cho quân Minh kinh hồn bạt vía. Ngài đã bị thương nặng, chỉ kịp phi ngựa về đến quê nhà thì mất. Triều đình lấy làm thương tiếc nên lấy đất Âm Công – quê hương Ngài để tưởng nhớ công ơn. Nhà Vua ban tặng cho Ngài 4 câu thơ:

“Đế thích long chương khai thái vận,

Thiên sinh thần võ dực hồng đồ,

Sinh bất hư sinh, sinh nghĩa đảm,

Tử thuỷ vô tử, tử trung can”

(Tạm dịch: Vua tặng sắc phong mừng vận đẹp, Trời sinh tướng giỏi giúp non sông, Sống chẳng sống thừa lòng nghĩa dũng, Chết mà không chết dạ can trường).

Phối cảnh đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên, Nghệ An)

Lễ hội đền Ông Hoàng Mười

Lễ hội đền Ông Hoàng Mười diễn ra từ mùng 8 đến 10/10 ÂL, nhưng trước đó, trong suốt tháng 9, tháng 10 ÂL, trung bình mỗi ngày đền đã đón khoảng hàng trăm lượt du khách về làm lễ. Đông nhất vẫn là khách đến từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Bình… Nhiều du khách do ở xa chờ làm lễ nên phải thuê phòng trọ ngay trước đền.

Lễ hội đền Ông Hoàng Mười gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm lễ khai quang, lễ rước bài vị, đạo sắc từ làng Xuân Am về đền, lễ yết cáo, lễ đại tế và cuối cùng là lễ tạ. Phần hội gồm các trò chơi dân gian diễn ra trong hai ngày mùng 9 và mùng 10 thu hút nhân dân trong huyện Hưng Nguyên tham gia như giải bóng chuyền các xã, trò chơi nhảy bao bố, kéo co, chọi gà, giao lưu văn nghệ …

Cùng với các lễ hội trong tỉnh, Lễ hội đền Ông Hoàng Mười có vị thế hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân, lại nằm ở vị trí có cảnh quan đẹp, vừa trung tâm, vừa gắn với vùng du lịch Lâm Viên Núi Quyết, đền Ông Hoàng Mười đã và đang ngày càng thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, cầu lễ. Với sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với quan Hoàng Mười và sự đặc sắc về cảnh quan môi trường cùng quần thể di tích về Phượng Hoàng – Trung Đô, nơi xưa kia vua Quang Trung chọn làm nơi đóng đô. Tất cả đã hợp thành một bức tranh sinh động, có núi, có sông, đồng ruộng, làng mạc, mà điểm sáng là ngôi đền linh thiêng thờ ông Hoàng Mười.

Năm 2002, đền ông Hoàng Mười được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hoá, có hai kỳ lễ hội lớn là Rằm tháng 3 Âm lịch (lễ hội khai điểm) và ngày Lễ hội giỗ ông Hoàng Mười (10/10 Âm lịch).

Nguồn: denchuavietnam.net

 

KHÁCH SẠN CÙNG HẠNG

Most Popular

Recent Comments