TRUÔNG BỒN – ĐỊA DANH HUYỀN THOẠI

Trong tiếng Nghệ “Truông” là danh từ để chỉ một đoạn đèo dốc chạy giữa hai vách núi hiểm trở. Truông Bồn là một đoạn đèo dốc như thế có chiều dài 5km, độ cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30- đi qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An nằm cách Cửa Lò khoảng 70Km.

      Trên tuyến đường chiến lược này – Cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Nơi đây, chứng tích hào hùng, bất hủ ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Tiêu biểu là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt ngày 31 tháng 10 năm 1968 của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong “Tiểu đội cảm tử” – “Tiểu đội thép” – “Tiểu đội cọc tiêu sống” Anh hùng thuộc Đại đội Thanh niên xung phong 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu, nước tỉnh Nghệ An.

 Bởi vị trí địa lý quan trọng nối với địa bàn miền Tây Nghệ An, có địa hình hiểm trở, với nhiều dãy núi liên kết với nhau nằm dọc hai bên đường như Núi Voi, núi Mồng Gà, núi Cột Cờ…nên con đường qua Truông luôn giữ được vẻ kín đáo, an toàn, là nơi có địa thế chiến lược để trú chân, ẩn náu. Vì thế, từ khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ XV, Hoàng đế Quang Trung tiến quân ra Bắc năm 1788 đến Phan Đình Phùng, Trần Tấn, Đặng Như Mai…phất cờ khởi nghĩa Cần Vương cuối thế kỷ XIX đã từng đi qua hoặc chọn vùng đất này làm căn cứ xây dựng lực lượng. Trong phong trào cách mạng 1930-1931, Truông Bồn cũng là chỗ dựa vững chắc cho các hoạt động cách mạng. Tiếp nối truyền thống cha ông, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn càng phát huy mạnh mẽ vai trò lịch sử và trở thành một địa danh Huyền thoại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta thời hiện đại.

 Và với điều kiện địa lý, Nghệ An là “Hậu phương trực tiếp của tiền tuyến, là cửa ngõ vào Quân Khu IV, là địa bàn triển khai lực lượng khi bước vào chiến đấu”. Nằm trên vùng tuyến lửa Khu IV, tuyến đường chiến lược 15A, có chiều dài gần 200km, tiếp nối từ quốc lộ 1A – giáp với tỉnh Thanh Hóa, đi qua địa bàn các huyện: Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương về đến huyện Nam Đàn: Một ngả rẽ về bến phà Linh Cảm, tỉnh Hà Tĩnh; một ngả đi về thành phố Vinh, qua phà Bến Thủy vào Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là huyết mạch giao thông quan trọng để vận chuyển nhân tài, vật lực chi viện cho chiến trường miền Nam khi máy bay Mỹ ném bom đánh phá, phong tỏa tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An. Trên tuyến đường chiến lược này, Truông Bồn là điểm nút giao thông đặc biệt quan trọng.

       Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo xây dựng tuyến đường chiến lược 15A và tranh thủ mọi lực lượng, thời gian, vận dụng mọi khả năng vận tải đi qua Truông Bồn để chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.

       Hòng hủy diệt Truông Bồn, cắt đứt mạch máu giao thông của ta, đế quốc Mỹ đã điên cuồng đánh phá. Từ năm 1964 – 1968 chúng đã trút xuống mảnh đất anh hùng này 18.936 quả bom các loại và hàng chục ngàn quả tên lửa, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường, sát hại nhiều người dân xã Mỹ Sơn, xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương; phá hủy hàng trăm xe ô tô và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta; hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ bị thương; 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh.

       Ngược thời gian trở về những năm tháng chiến tranh khốc liệt ngày ấy: Đầu năm 1964, sau khi bị thất bại  trên các chiến trường miền Nam, nhất là thất bại sau “Chiến lược chiến tranh đặc biệt”. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã mở rộng “Chiến lược chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và leo thang đánh phá miền Bắc. Mục tiêu chiến lược của chúng là nhằm cắt đứt sự chi viện của ta từ hậu phương miền Bắc đối với chiến trường miền Nam, phá hoại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá.

       Đầu năm 1967, nhất là năm 1968 sau khi bị thất bại nặng nề liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ cay cú, điên cuồng ném bom đánh phá miền Bắc. Chúng gọi là chiến dịch “Sấm rền”. Sau khi đánh phong tỏa các tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An, chúng đã huy động một lực lượng không quân khổng lồ, với hơn 5.000 lượt máy bay xuất kích từ căn cứ quân sự Utapao (Thái Lan) và đảo Guam (Philipin) ồ ạt trút bom đạn xuống tuyến đường chiến lược 15A. Trọng điểm là chúng tập trung đánh phá Truông Bồn. Bởi vậy, trong thời điểm này có ngày cao điểm máy bay Mỹ đánh phá lên tới 131 lần, Truông Bồn suốt ngày đêm không ngớt tiếng bom đạn.

       Nhưng, bom đạn giặc Mỹ không thể khuất phục được ý chí và quyết tâm sắt đá của quân và dân ta: “Sống bám cầu, bám đường – chết kiên cường dũng cảm”, “Tim có thể ngừng đập – nhưng đường không thể tắc”; “Tất cả cho tiền tuyến – Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là động lực mạnh mẽ thôi thúc các lực lượng của quân và dân ta làm nên chiến thắng Truông Bồn, làm nên một Truông Bồn Huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Tiêu biểu là những chiến công và sự hy sinh oanh liệt ngày 31 tháng 10 năm 1968 của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử”, “Tiểu đội cọc tiêu sống” Anh hùng thuộc Đại đội Thanh niên xung phong 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An.

Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ấy, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành Trung ương cùng với lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã về thăm, động viên các lực lượng của quân và dân ta. Đặc biệt, trong năm 1968, thời điểm địch đánh phá Truông Bồn ác liệt nhất, nhưng đồng chí Lê Duẩn – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – Tư lệnh Đoàn 559, đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phan Trọng Tuệ và các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy, Uỷ ban Hành chính tỉnh Nghệ An đã về thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ quyết giữ vững mạch máu giao thông Truông Bồn. Có thể nói, chiến thắng Truông Bồn là đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là nơi thể hiện sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bao gồm:

       Binh trạm 1 đơn vị vận tải, Tiểu đoàn công binh D30 Quân khu 4; Đại đội công binh 27; Tiểu đoàn 76 tên lửa thuộc Trung đoàn tên lửa 278; Tiểu đoàn 72 tên lửa thuộc Trung đoàn 236; Trung đoàn phòng không 222 Nguyễn Viết Xuân; Tiểu đoàn pháo 37 ly, pháo 12 ly 7 của bộ đội và dân quân tự vệ; Trung đoàn 224 và Trung đoàn 232 pháo cao xạ và hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ của 9 Đại đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An; cán bộ, chiến sĩ hạt giao thông 10; lực lượng tự vệ bưu điện và dân quân tự vệ huyện Đô Lương.

       Các lực lượng của quân và dân ta đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, rà phá hàng ngàn quả bom nổ chậm các loại, đóng góp trên 2 triệu ngày công, đào đắp hàng triệu m2 đất đá, đưa 94 ngàn lượt xe quân sự vượt qua “Truông” an toàn; vận chuyển và giải tỏa hàng triệu tấn hàng, cung cấp hàng chục triệu cây phi lao, cọc tre và các loại gỗ chống lầy – làm cầu cho xe qua; huy động 4.500 xe đạp thồ, 4.500 xe ba gác, 4.500 xe đầu bò, 900 xe cút kít giải phóng hàng vượt qua “Truông” khi bị địch đánh phá phong tỏa.

      Ghi nhận địa danh Truông Bồn, ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, tiêu biểu là sự cống hiến và hy sinh oanh liệt ngày 31 tháng 10 năm 1968 của 13 chiến sĩ Thanh niên xung phong “Tiểu đội thép”, ngày 12 tháng 01 năm 1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin có Quyết định số 51/QĐ-BT công nhận di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn. Ngày 23 tháng 9 năm 2008, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có Quyết định số 1304/QĐ-CTN Phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể 14 chiến sĩ Thanh niên xung phong Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An – Trong đó, 11 chiến sĩ nữ và 02 chiến sĩ Nam đã anh dũng hy sinh.

      Với ý nghĩa to lớn đó và được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng Truông Bồn trở thành “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, ngày 19 tháng 4 năm 2010 UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1591/QĐ.UBND-CNXD phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Cùng với tỉnh Nghệ An, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải và nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo Khu di tích trên diện tích 217.327m2 với tổng mức đầu tư 365 tỷ đồng. Sở Giao thông Vận tải Nghệ An là đơn vị được Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An giao làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công vào ngày 27 tháng 10 năm 2012.

      Trong quá trình Sở Giao thông Vận tải Nghệ An triển khai thực hiện Dự án là một thử thách rất lớn, bởi bên cạnh trách nhiệm trước tỉnh, là “áp lực” của sự kỳ vọng của đông đảo nhân dân mong muốn cho Truông Bồn sớm được hoàn thành, trong khi bước đầu còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về nguồn lực. Nhưng được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của Bộ Giao thông Vận tải và của nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước – cùng với sự nỗ lực rất lớn của Sở Giao thông Vận tải Nghệ An, đến tháng 4 tháng 2014 một số hạng mục chính của công trình đã hoàn thành. Từ thực tế đó và xét đề nghị của các Sở, ngành, đơn vị liên quan, ngày 16 tháng 4 năm 2014, Uỷ Ban nhân dân tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1520/QĐ-UBND thành lập Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn nhằm sớm đáp ứng được lòng mong muốn của nhân dân về thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

       Tháng 7 năm 2015, công trình được hoàn thành. Ngày 7 tháng 8 năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức lễ khánh thành trong niềm vui của nhân dân khắp mọi miền của Tổ quốc và của hàng vạn đại biểu và nhân dân về dự lễ khánh thành.

         Khu di tích lịch sử Truông Bồn được xây dựng, bảo tồn, tôn tạo, gồm 21 hạng mục chính, như sau:

      * Các hng mc trong khu tưởng nim và khu l hi:

      Khu mộ và nhà che mộ 13 anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong 110m2; nhà tưởng niệm 1.240 anh hùng, liệt sĩ 290m2; nhà hữu vu 25m2; nhà tả vu 25m2; sân, đường nhà che mộ và nhà tưởng niệm 2.121m2; khu đài tưởng niệm các liệt sĩ 5.500m2; sân lễ hội 11.277m2.

       * Khu trưng bày truyn thng và h cnh quan:

      Nhà trưng bày truyền thống 942m2; sân khu vực nhà truyền thống 6.428m2; hồ cảnh quan 10.588m2; cầu dẫn trên hồ cảnh quan dài 72m2 – rộng 3,58m.

       * Các hng mc khu đón tiếp khách v thăm viếng:

        Nhà điều hành và đón tiếp phía Nam 256m2; nhà bán hàng lưu niệm phía Nam 198m2; nhà dịch vụ tổng hợp phía Nam 237m2; sân khu vực nhà đón tiếp phía Nam 3.955m2; bãi đậu xe phía Nam 5.300m2; nhà dịch vụ tổng hợp phía Bắc 237m2; bãi đậu xe phía Bắc 4.996m2.

        * Các hng mc giao thông và công trình khác:

        Đường nội bộ từ khu lễ hội đến khu tưởng niệm dài 690m – rộng 5m; hệ thống đường dạo bộ dài 1.800m – rộng 03m; hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống cây xanh, cây cảnh các loại…

        Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã được hồi sinh ngay trên “Tọa độ chết” năm xưa. Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn hôm nay, biểu tượng lịch sử của Thanh niên xung phong Việt Nam, nơi hội tụ linh hồn của 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ huyết mạch giao thông Truông Bồn. Trong đó, ngôi mộ tập thể 13 chiến sĩ thanh niên xung phong “Tiểu đội thép”, “Tiểu đội cảm tử”, “Tiểu đội cọc tiêu sống” Anh hùng  hy sinh tại nơi đây ngày 31 tháng 10 năm 1968, chứng tích hào hùng ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sĩ thanh niên xung trong lúc đang làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông.

        Ở nơi này, Truông Bồn hôm nay và mai sau, mãi vang vọng những lời ru của đất mẹ như là lời ru của cả dân tộc để linh hồn các chị, các anh được yên giấc ngàn thu. Nơi đây ngày ngày luôn ngát thơm hương hoa của các Đoàn đại biểu và du khách trong và ngoài nước về thăm viếng, tri ân các chị, các anh, những người anh hùng đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”!

Bài viết liên quan